bbc, 12 tháng 3, 2013

Báo Nhân Dân vừa có bài đả phá các ý kiến phản biện trên mạng mà báo này gọi là “chống Đảng” và “thiếu cầu thị”.
Bài viết tựa đề “Khi phản biện xã hội được sử dụng như một ‘chiêu bài’!” của tác giả Huỳnh Tấn dường như nhằm vào nhóm các nhân sỹ, trí thức thời gian gần đây đã lên tiếng về nhiều vấn đề, từ các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên tới việc sửa đổi Hiến pháp 92.
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
Lời giới thiệu của tờ báo, cơ quan ngôn luận của Đảng CSVN, viết: “Ðể thực hành phản biện xã hội với các ý nghĩa tích cực, trước hết có một nguyên tắc cần tuân thủ là phải dựa trên nền tảng tri thức, thái độ khách quan, lấy lợi ích của cộng đồng làm mục đích”.
Bài viết của Huỳnh Tấn cho rằng: “Không thể coi là bình thường vì cứ dăm bữa, nửa tháng lại thấy xuất hiện một “thư ngỏ”, “kiến nghị”,… chủ yếu được công bố trên internet trước khi tới nơi cần gửi!”
Tác giả nói cáo buộc tác giả của các thư ngỏ và kiến nghị trên rằng “hình như họ không có việc gì khác để làm, chỉ viết đơn, thư!?”.
Theo ông Huỳnh Tấn, “nếu cho đó [phản biện] là nhiệm vụ của trí thức, sẽ trở thành hàm hồ”.
Đóng góp Hiến pháp
Mới đây nhất, một nhóm nhân sỹ trí thức ở trong nước đã viết kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992, gửi lên Quốc hội Việt Nam nhân cuộc đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp ở trong dân.
Văn bản được gọi là Kiến nghị 72, từ con số 72 người chủ xướng, có những cái tên như Tiến sỹ Nguyễn Đình Lộc, TS Nguyễn Quang A, TS Lê Đăng Doanh, GS Nguyễn Huệ Chi, Nhà báo Tống Văn Công…
Những người kiến nghị cho rằng dự thảo hiến pháp hiện đang được trưng cầu ý kiến “chưa thấu suốt bản chất của một hiến pháp dân chủ, chưa thể hiện sự tin cậy, tín nhiệm của nhân dân với chính quyền theo tinh thần thỏa thuận kiến tạo một môi trường có sự kiểm soát bên trong và bên ngoài đối với quyền lực”.
Họ đề nghị 7 điểm bổ sung sửa đổi cho Hiến pháp 92.
Cho tới nay, bản kiến nghị đã nhận được hàng nghìn chữ ký ủng hộ.
“Không thể coi là bình thường vì cứ dăm bữa, nửa tháng lại thấy xuất hiện một “thư ngỏ”, “kiến nghị”,… chủ yếu được công bố trên internet trước khi tới nơi cần gửi!”
Huỳnh Tấn
Thế nhưng trên các phương tiện thông tin đại chúng, kiến nghị này cũng bị chỉ trích.
Tiêu biểu, Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, trong một phát biểu được các kênh chính thống loan tải, nói: “Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức…”
“Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! … Tham gia khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể … thì đó là cái gì?”
Bài viết trên Nhân Dân hôm 12/3 cũng kêu gọi trí thức phải cân nhắc trước khi cất tiếng nói, “… nhất là về lĩnh vực chính trị, đối ngoại hay đường hướng quốc gia, các lĩnh vực mà Nhà nước tất nhiên có cái nhìn bao quát, tổng hợp và đầy đủ thông tin hơn cá nhân.”
Bài viết khẳng định quan điểm “không thể chấp nhận phản biện nhằm gây mơ hồ, làm lạc hướng nhận thức chung, tiến công vào nguyên tắc tổ chức và hệ thống chính trị của xã hội”.
Dường như gần đây đang có chiến dịch “đánh” vào Kiến nghị 72 trên báo chí nhà nước.
Tuần trước, báo Đại Đoàn Kết cũng có bài cáo buộc nhiều chữ ký ủng hộ bản kiến nghị là “giả mạo”.