BBC, 12 tháng 6, 2014
Media Player
Một nhà nghiên cứu về Biển Đông của Việt Nam nói rằng các bằng chứng mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa đưa ra để chứng minh cho ‘chủ quyền không thể chối cãi’ của họ đối với quần đảo Hoàng Sa ‘không có giá trị pháp lý’.
Hôm Chủ nhật ngày 8/6, trang chủ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra một loạt bằng chứng mà họ cho rằng cho thấy ‘Chính phủ Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa’.
Tuy nhiên, trao đổi với BBC, Tiến sỹ Nguyễn Nhã nói rằng những ‘chứng cứ’ này của Trung Quốc ‘không có giá trị pháp lý quốc tế’ mà chỉ có tác dụng về ‘tâm lý’ và ‘chính trị’.
“Học giả Trung Quốc khi thì nói thời Minh, khi thì nói thời Tống, có khi nói đời Đường, có khi nói đời Hán,” ông nói, phản bác lập luận của Trung Quốc nói rằng họ quản lý Hoàng Sa tờ thời Bắc Tống.
“Tất cả chứng cứ họ đưa ra hoàn toàn mang tính suy diễn thôi,” ông nói thêm.
Về các bằng chứng của Trung Quốc nói rằng Chính phủ Bắc Việt thừa nhận chủ quyền Hoàng Sa của họ, Tiến sỹ Nhã nói: “Dù Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có nói gì, làm gì đi chăng nữa, đó chỉ là đối sách về ngoại giao và chính trị lúc đó thôi.”
“Hiệp định Geneva (năm 1954 về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương) đã quy định rất rõ rằng Hoàng Sa và Trường thuộc chính quyền phía nam quản lý,”
Ông Nhã cho rằng Trung Quốc là một bên ký Hiệp định Geneva nên chỉ cần ‘sử dụng Hiệp định Geneva’ để phản bác lập luận của Trung Quốc ‘là đủ’.
“Họ (Chính phủ Bắc Việt) có tuyên bố bất cứ cái gì thì không liên quan đến từ bỏ chủ quyền. Họ có trách nhiệm pháp lý đâu mà từ bỏ?” ông nói.
Ông cũng phân tích chính quyền nước Việt Nam thống nhất hiện nay có ‘tính chất pháp lý khác hẳn’ chính quyền ở Bắc Việt trước đây vốn đã có những hành động thừa nhận ‘chủ quyền’ của Trung Quốc.
“Nhà nước thống nhất khác hoàn toàn với nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó không phải là nhà nước của một miền. Trách nhiệm của nó khác hẳn với trách nhiệm của nhà nước một miền,” ông nói.
“Chính quyền thống nhất này khẳng định chủ quyền (đối với Hoàng Sa và Trường Sa) tức là tiếp tục kế thừa những gì của chính quyền miền Nam Việt Nam quản lý,” ông nói thêm.