‘Chưa có kết luận’ vụ ông Trần Văn Truyền

Kết quả kiểm tra vi phạm của ông Trần Văn Truyền đã nhiều lần được các đại biểu chất vấn
Kết quả kiểm tra vi phạm của ông Trần Văn Truyền đã nhiều lần được các đại biểu chất vấn

Tổng thanh tra Chính phủ cho biết hiện nay chưa có kết luận trong vụ kiểm tra vi phạm của ông Trần Văn Truyền nên “chưa có thông tin báo cáo đại biểu Quốc hội”, truyền thông Việt Nam đưa tin.

Ông Huỳnh Phong Tranh được dẫn lời trong phiên họp Quốc hội hôm 17/11 nói: “Ông Truyền là cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Bí thư.”

“Sau phiên chất vấn lần trước, Ban Bí thư đã họp, chỉ đạo UB Kiểm tra TƯ kiểm tra đúng quy trình những vi phạm của ông Truyền. Đến nay chưa có kết luận nên chưa có thông tin để báo cáo ĐBQH,” theo Vietnamnet.

Ông Trần Văn Truyền, cựu Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản và là nguyên Tổng thanh tra Chính phủ, bị cáo buộc đang sở hữu căn biệt thự đắt tiền tại xã Sơn Đông, Thành phố Bến Tre.

Hồi cuối tháng 02/2014, Báo Người Cao Tuổi của Hội người cao tuổi Việt Nam cho đăng bài và ảnh về điều mà báo này gọi là “của nổi” của ông Truyền, gây chấn động dư luận.

Bên cạnh đó, ông còn bị cho là đã bổ nhiệm hàng chục cán bộ không đủ chất lượng vào cơ quan thanh tra trước khi nghỉ hưu.

Ngày 26/2, trong cuộc phỏng vấn với báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, ông Truyền cho biết “tôi sẵn sàng cung cấp các thông tin và minh định về tài sản của mình với cơ quan chức năng Trung ương, nếu các cơ quan này có nhu cầu xác minh, làm rõ”.

Báo Lao Động hôm 17/11 đưa tin, đây là lần thứ hai vụ việc của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ được đưa ra quốc hội, và ông Huỳnh Phong Tranh cũng ‘được nhắc’ vài lần mới đưa ra câu trả lời như trên.

Bài báo dẫn lời đại biểu Lê Nam nói, “đụng chạm đến cán bộ cao cấp, càng cao càng phải làm nghiêm, càng cao càng phải công khai minh bạch”.

Đại biểu của tỉnh Thanh Hóa cũng nhắc lại lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói trong một buổi tiếp xúc cử tri về sự “cương quyết của Đảng trong việc xử l‎‎ý” vi phạm.

Hôm 12/06, một đại biểu của thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra câu hỏi về vụ điều tra khối tài sản của ông Truyền, và việc bổ nhiệm 60 cán bộ ở cơ quan Thanh tra Chính phủ.

Ông Huỳnh Phong Tranh trong phiên chất vấn hồi tháng Sáu từng chỉ ra ba điểm “sơ suất” trong vụ bổ nhiệm cán bộ này là “thời gian bổ nhiệm chưa đầy đủ, số lượng cấp phó nhiều hơn quy định, năng lực một số cán bộ chưa đạt yêu cầu”.

Ông Trần Văn Truyền bị xác minh tài sản

Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa điều đoàn cán bộ đến phối hợp với tỉnh Bến Tre để kiểm tra và xác minh tài sản của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, theo báo trong nước.

Ông Trần Văn Truyền bị nghi là đang sở hữu căn biệt thự đắt tiền tại Bến Tre

Động thái trên diễn ra sau khi cơ quan này công bố quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm của đảng viên đối với ông Truyền, báo Lao Động đưa tin ngày 24/7.

Thời gian làm việc của đoàn sẽ kéo dài 90 ngày, báo này cho biết thêm.

BBC đã liên lạc với UBND tỉnh Bến Tre và được xác nhận một đoàn cán bộ từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang làm việc tại địa bàn tỉnh, nhưng không nói rõ chi tiết.

Ông Truyền, cựu Ủy viên Trung ương Đảng CSVN, bị nghi là đang sở hữu căn biệt thự đắt tiền tại xã Sơn Đông, Thành phố Bến Tre.

Hồi cuối tháng Hai, Báo Người Cao Tuổi của Hội người cao tuổi Việt Nam đã gây chấn động dư luận khi cho đăng bài và ảnh về điều mà báo này gọi là “của nổi” của ông Truyền.

Bên cạnh đó, ông này còn bị cho là đã bổ nhiệm hàng chục cán bộ không đủ chất lượng vào cơ quan thanh tra trước khi nghỉ hưu.

Ngày 26/2, trong cuộc phỏng vấn với báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, ông Truyền cho biết “tôi sẵn sàng cung cấp các thông tin và minh định về tài sản của mình với cơ quan chức năng Trung ương, nếu các cơ quan này có nhu cầu xác minh, làm rõ”.

Hồi giữa tháng Sáu, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã thông báo trong một phiên chất vấn tại Quốc hội về việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương được Ban bí thư Trung ương chỉ đạo điều tra về tài sản của ông Truyền.

Về quyết định bổ nhiệm cán bộ của ông này, ông Tranh cho biết “thời gian bổ nhiệm chưa đầy đủ, số lượng cấp phó nhiều hơn quy định, năng lực một số cán bộ chưa đạt yêu cầu”.

‘Có thể xử lý hình sự’

Trả lời BBC ngày 24/7, Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Hưng (Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho biết ông Truyền có thể bị xử lý hình sự nếu bị phát hiện vi phạm ở mức độ nặng.

“Công tác kiểm tra nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì phải làm theo điều lệ Đảng và giao cho tổ chức quản lý sinh hoạt Đảng của ông Truyền”, ông Hướng nói.

“Còn việc bổ nhiệm là trách nhiệm của cơ quan chính quyền. Cần xem xét việc bổ nhiệm cán bộ có làm theo quy trình, các tiêu chế, điều kiện bổ nhiệm cán bộ hay không”.

“Ở đây có hai khía cạnh là xem xét vi phạm điều lệ Đảng và vi phạm trong việc bổ nhiệm cán bộ khi còn đương chức”

“Nếu có vi phạm thì phải xử lý kỷ luật theo điều lệ Đảng, xử lý kỷ luật ở cấp chính quyền , hành chính và kể cả hình sự”.

Để lại ý kiến của bạn