http://m.baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/viet-nam-lay-tien-dau-phat-trien-lam-nguoc-3294763/?paged=2
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Việt Nam đang làm ngược khi cứ lấy chi để ép thu, đẩy ngân sách vào tình trạng cạn kiệt.
“Ngân sách nhà nước đang gặp khó khăn bởi thế cần tiết kiệm chi thường xuyên, đồng thời đẩy mạnh nâng cao hiệu quả đầu tư công. Việc Chính phủ đứng ra bảo lãnh để vay nợ cho các doanh nghiệp nhà nước cũng là điều tốt nhưng sử dụng đồng vốn đó có hiệu quả hay không phụ thuộc nhiều vào khâu quản lý, trong khi thời gian qua các cơ quan bảo lãnh chưa làm tốt việc này”.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, yếu tố quyết định để giảm nợ công là phải đẩy mạnh cải cách hàng chính, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm để cân bằng ngân sách.
Ông cũng chỉ ra rằng, thực tế vẫn còn một số yếu tố lạc quan đảm bảo cho Việt Nam có nguồn vốn để phát triển.
Ví dụ, đối với lĩnh vực vốn nước ngoài, với một thể chế tương đối ổn định và nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ tương đối cao, Việt Nam đang là địa điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản thậm chí đã rời khỏi thị trường Trung Quốc, Thái Lan tìm đến Việt Nam đầu tư. Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện môi trường đầu tư nhưng thực tế thời gian qua môi trường đầu tư Việt Nam đã tương đối thông thoáng, phù hợp với nguyện vọng của các nhà đầu tư quốc tế.
Các thể chế tài chính quốc tế đang dần chuyển các khoản vay ODA, vay ưu đãi của Việt Nam sang khoản vay ít ưu đãi hơn hoặc vay thương mại. Đây là động thái làm cho chi phí sử dụng vốn của Việt Nam cao hơn. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa các tổ chức quốc tế và Việt Nam cho thấy khả năng cung cấp nguồn vốn cho Việt Nam trong phát triển kinh tế thời gian tới vẫn có thể đảm bảo được.
Đối với việc phát hành trái phiếu, vay nợ thương mại quốc tế, tín nhiệm quốc gia của Việt Nam đã được nâng lên nên lãi suất vay đang thấp dần đi cũng sẽ nguồn bổ sung vốn cho phát triển kinh tế Việt Nam.
Một yếu tố khác là việc phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam và các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam đã tăng cường mở rộng, đầu tư theo chiều sâu để mở rộng sản xuất tương đối bài bản và phát triển.
Đứng trên giác độ nào đó, hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam thông qua việc tham gia các hiệp định thương mại đòi hỏi Việt Nam phải hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý kinh tế và quản lý các doanh nghiệp.
Nó cũng đòi hỏi Việt Nam phải đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp tư nhân, tạo ra sự bình đẳng trong đối xử với doanh nghiệp tư nhân. Đây là động lực chính cho việc đầu tư, phát triển nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Ths Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới, các nguồn tài nguyên phục vụ cho phát triển kinh tế Việt Nam đang cạn kiệt dần, nợ công tăng lên chứng tỏ việc vay nợ, sử dụng nguồn vốn vay kém hiệu quả, một khi làm ăn không hiệu quả thì không biết lấy tiền đâu trả nợ. Sử dụng tài nguyên hiệu quả, theo ông Sơn, có nghĩa là về mặt kinh tế các dòng vốn phải tạo ra công ăn việc làm, kinh tế tăng trưởng cao. Nhưng Việt Nam lại rất khó làm điều này vì rào cản doanh nghiệp nhà nước. Ông cho rằng phải cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì mới giải quyết được vấn đề. Các nguồn vốn khi phân bổ phải có giải trình minh bạch, làm gì, ai làm, hết bao nhiêu, mục đích sử dụng, các phương án tiền quay về trong tương lai… tất cả phải minh bạch, có phản biện phản chứng. Không riêng gì doanh nghiệp nhà nước, nếu có đưa nguồn vốn sang khối doanh nghiệp tư nhân mà không có phản biện thì sẽ tiếp tục không hiệu quả. Đây là điều chúng ta phải hết sức lưu ý. |